Sẽ thử nghiệm đề thi trước khi công bố cho học sinh
Lượt xem:
Trả lời câu hỏi về việc thử nghiệm đề thi, mức độ phân hóa đề… tại buổi họp báo công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2017 vào chiều 28/9, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục – Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ sẽ có tính toán hợp lý để mức độ phân hóa đề thi phù hợp. Đồng thời sẽ có phương án thử nghiệm đề thi cho nhiều đối tượng học sinh.
Học sinh đã được làm quen với đề thi trắc nghiệm
Theo Cục trưởng Trinh, nhận thức đề thi có vai trò quyết định trong thành công của mỗi một kì thi. Bộ GD&ĐT đã kiên trì thực hiện xây dựng đề thi nhiều năm, trên cơ sở phương thức thi phù hợp với những gì đang diễn ra trong thực tiễn dạy – học.
Trong năm 2017, nét mới rất rõ thể hiện ở chỗ các bài thi được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bởi các đặc tính của bài thi trắc nghiệm khách quan rất phù hợp với các kì thi đánh giá mức độ kiến thức cơ bản và đặc biệt, phù hợp với số lượng thí sinh tham gia đông.
Mỗi năm có 1 triệu thí sinh, bản chất là đánh giá học vấn phổ thông làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp THPT và cơ sở để tuyển sinh ĐH-CĐ. Với mục đích và quy mô kì thi như trên thì hình thức trắc nghiệm là phù hợp.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, phương pháp thi trắc nghiệm khách quan bắt đầu được đưa vào từ năm 2007 ở các môn Lý, Hóa, Sinh. Cũng bắt đầu từ đó, trong các trường THPT đã có các tài liệu hướng dẫn, được triển khai tập huấn về việc xây dựng ma trận, ngân hàng câu hỏi, biên tập câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Và trong thực tế, đối với các môn Lý, Hóa, Sinh đã cho kết quả rất thành công.
Còn trong Toán học, nhiều cấp bậc khác nhau cũng đã sử dụng hình thức thi trắc nghiệm, học sinh đã có thể làm quen và chúng ta cũng đã dần xây ngân hàng câu hỏi cho kì thi trắc nghiệm.
Từ nay đến tháng 5: Sẽ xây dựng ngân hàng câu hỏi
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết, lực lượng tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi là các thầy, cô giáo giàu kinh nghiệm, nhiều năm tham gia xây dựng đề thi với Bộ GD&ĐT. Các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, các giảng viên của các trường đại học… Họ đều là những người am hiểu về tuyển sinh THPT, ĐH-CĐ và nắm vững quy trình, nguyên tắc xây dựng ngân hàng câu hỏi.
Không phải xuất phát từ con số 0, trong mười mấy năm qua chúng ta đã có ngân hàng câu hỏi tương đối lớn. Thêm nữa, chúng ta hoàn toàn có thể kế thừa những sản phẩm mà ĐHQGHN đã thí điểm trong thời gian qua.
Ngay sau khi công bố phương án này, Bộ sẽ tính toán, tập hợp lực lượng giáo viên, chuyên gia đủ lớn để trong khoảng thời gian từ nay cho đến tháng 5 tới, sẽ thực hiện đầy đủ quy trình, các bước xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi. Vừa đảm bảo quy trình, độ tin cậy và số lượng để phục vụ kỳ thi mà mỗi học sinh có một mã đề khác nhau.
60% kiến thức cơ bản 40% kiến thức nâng cao
Trong năm 2015-2016, đề thi THPT quốc gia được thiết kế với mức độ câu hỏi cơ bản, để phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT và có phần để phục vụ xét tuyển ĐH-CĐ. Hai năm vừa rồi, tỉ lệ kiến thức cơ bản trong đề thi ít nhất là 60% kiến thức cơ bản 40% kiến thức nâng cao. Đây là mức thấp nhất, cơ bản nhất; còn khi xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề thi cho đề thi 2017, Bộ sẽ có tính toán hợp lý để mức độ phân hóa phù hợp nhất với thời gian, phương thức, mục đích thi.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về đối tượng thử nghiệm của đề thi: “Đề thi được áp dụng trên 1 triệu học sinh, tuy nhiên có những môn như Sử, Công dân, Lịch sử, Địa lý là lần đầu tiên áp dụng phương án thi trắc nghiệm. Bộ đã có cuộc thử nghiệm đề trắc nghiệm các môn này trên các đối tượng học sinh nào chưa? Thời gian vừa qua được biết ở trường ĐHQGHN đã có một số học sinh chuyên ngữ , học sinh khóa thứ nhất một số trường ĐH thuộc ĐHQG Hà Nội thử nghiệm đề thi, liệu đó có phải là cuộc thử nghiệm cho Bộ GD&ĐT không? Nếu đúng như thế, có thể kết quả sẽ không được khách quan cho lắm. Nên chăng, đề thi cần được thử nghiệm trên nhiều đối tượng học sinh nông thôn – thành thị, đồng bằng – miền núi?”…
Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh cho biết: “Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi để ra đề thi chính thức được thực hiện theo một quy định khoa học mà đất nước áp dụng và chúng ta không nằm ngoài quy trình đó. Trong quá trình như vậy, chắc chắn Bộ sẽ có khâu thử nghiệm ngân hàng câu hỏi và đề thi.
Về việc thử nghiệm đề thi của Trường ĐHQGHN vừa qua, có thể nói, xây dựng ngân hàng câu hỏi là việc quanh năm của họ. Cảm ơn đề xuất của PV báo Dân trí. Trong quá trình Bộ xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi chắc chắn sẽ có quá trình thử nghiệm để tăng độ tin cậy và công bố thông tin của ngân hàng câu hỏi để từ đó xây dựng đề thi chính thức”.