Đề thi THPT quốc gia 2017: Tập trung “xoáy” vào chương trình lớp 12
Lượt xem:
Giải đáp câu hỏi về “nội dung của đề thi sẽ nằm trọng tâm ở đâu”. TS Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT trả lời: “Đề thi chủ yếu thuộc ngân hàng đề, các nội dung kiến thức trong đề thi sẽ xoáy vào nội dung của sách giáo khoa lớp 12”.
Sáng ngày 11/3, chương trình Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp diễn ra tại khuôn viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh, Nghệ An. Đây là năm thứ tư liên tiếp chương trình được tổ chức cho học sinh xứ Nghệ. Chương trình do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức.
Tham dự chương trình có khoảng 6.000 học sinh và nhiều thầy cô giáo, phụ huynh học sinh. Trực tiếp giải đáp những thắc mắc của học sinh là đại diện của 4 bộ: Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động TB&XH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đại diện các thầy, cô của nhiều trường ĐH lớn trên ba miền Bắc – Trung – Nam.
Phát biểu tại chương trình, trước băn khoăn của thí sinh về “nội dung của đề thi sẽ nằm trọng tâm ở đâu”, TS Sái Công Hồng – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT trả lời: “Đề thi chủ yếu thuộc ngân hàng đề, các nội dung kiến thức trong đề thi sẽ xoáy vào nội dung của sách giáo khoa lớp 12. Tuy nhiên, để nắm chắc kiến thức lớp 12, các em cũng cần phải có nền tảng kiến thức các năm trước”.
Bên cạnh đó, TS Hồng cũng cho biết, đề thi sẽ có 60% kiến thức cơ bản, 40% câu hỏi dùng để phân loại thí sinh. Do đó, các em cần cố gắng tận dụng để làm tốt phần kiến thức cơ bản trước, không nên quá chú tâm với những nội dung đề thi khó như vậy sẽ “đánh rơi” nhưng điểm số quan trọng trong phần kiến thức cơ bản.
Đề thi sẽ được xây dựng theo nguyên tắc từ câu dễ đến câu khó. “Điều này giúp các em không phải mất công đọc toàn bộ đề thi mà làm tuần tự từ đầu đến cuối, làm từ dễ đến khó, sức đến đâu làm đến đó” – ông Hồng lý giải.
Trả lời câu hỏi của một bạn học sinh về phương hướng chọn trường theo định hướng của cha mẹ để khi ra trường dễ xin được việc làm hơn: TS Phạm Mạnh Hà – Phó trưởng Khoa Công tác Thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng các bạn học sinh khi chưa biết mình thích gì thì cần tìm hiểu kĩ hơn.
“Nếu các bạn chọn nghề, ngành học chỉ để có việc làm thì chọn trường nào cũng được. Nhưng nếu muốn “có những trái ngọt” thì các bạn nên biết mình thích, đam mê ngành nghề nào. Từ đó các bạn mới có động lực để phát huy hết khả năng của mình, tìm tòi sáng tạo và gặt hái được thật nhiều thành công, phát triển, khẳng định được mình”.
Đối với lĩnh vực tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp theo nhóm ngành, các bạn học sinh còn được thầy cô tận tình chia sẻ giải đáp những băn khoăn, thắc mắc liên quan. “Sắp đến ngày đăng ký dự thi, dù đã đọc qua quy chế nhưng em còn rất nhiều điểm thắc mắc, chương trình đã giúp em có thêm kiến thức tự tin trước kỳ thi quan trọng sắp tới”, một học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu tham dự chương trình chia sẻ.